HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VỚI CHỦ ĐỀ “NÓI KHÔNG VỚI TẢO HÔN, BỎ HỌC” Ở TRƯỜNG PTDTBT THCS PU NHI
Tiếp nối thành công của buổi hoạt động trải nghiệm của tổ Khoa học Tự nhiên, sáng ngày 19/5/2022, tổ Khoa học Xã hội đã tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề: “ Nói không với tảo hôn, bỏ học”.
Hoạt động trải nghiệm với hình thức đóng kịch. Chủ đề của vở kịch bắt nguồn từ thực trạng “nóng” của vùng đồng bào dân tộc vùng núi nói chung, xã Pu Nhi nói riêng. Như chúng ta đã biết Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại mục a, Khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Thế nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có xã Pu Nhi. Hệ lụy của việc tảo hôn là rất lớn, một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của tảo hôn đó là: Theo các bác sĩ sản khoa, việc kết hôn khi chưa trưởng thành và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên - lúc cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng tâm lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, bị Down, dị tật, thường xuyên đau ốm, yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS.
Chủ đề thứ hai mà vở kịch hướng tới đó là vấn nạn bỏ học giữa chừng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học: Gia đình buông lỏng quản lý, giáo dục con em, nhất là đối với học sinh lêu lỏng, cá biệt, ham chơi, có sức học yếu nên chán học, bỏ học. Do chất lượng đầu vào thấp (có học lực yếu, hổng kiến thức nên không theo kịp chương trình). Một số em có hoàn cảnh khó khăn, muốn nghỉ học đi lao động phụ giúp gia đình. Do ảnh hưởng một số hủ tục, tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến nạn tảo hôn, học sinh bỏ học để lập gia đình, hoặc có bạn bè, người thân đi làm ăn xa rủ rê, lôi kéo bỏ học để đi kiếm tiền; cá biệt có học sinh bỏ học do nhà ở xa trường, đi lại khó khăn.
Điều đáng lưu tâm đó là tảo hôn và bỏ học có mối liên hệ trực tiếp và cũng là thưc trạng khá phổ biến. Ngay ở trường PTDTBT THCS Pu Nhi, cũng đã có một số trường hợp học sinh nữ bỏ học để kết hôn khi đang học lớp bảy, lớp tám.
Để góp phần tuyên truyền, vận động cho các em học sinh nhà trường tránh xa hiện trạng này, cô giáo Trần Lan Anh - Giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn, thành viên tổ Khoa học Xã hội đã lên kịch bản và cũng trực tiếp đạo diễn cho vở kịch: “Nói không với tảo hôn, bỏ học”
Hoạt động trải nghiệm đã được mở màn bằng nhữn tiết mục nhảy hiện đại, hát đơn ca do các em học sinh khối lớp tám trình diễn.
Các tiết mục đơn ca, nhảy hiện đại do các em học sinh khối lớp tám biểu diễn.
Kết thúc màn ca múa hát sôi động, vở kịch được bắt đầu. Diễn viên được lựa chọn là các em học sinh yêu thích môn Ngữ văn, tự tin khi giao tiếp ở khối lớp 6, lớp 9.
Các diễn viên không chuyên nhưng đầy nhiệt huyết của vở kịch
Vở kịch bắt đầu bằng khung cảnh tại một gia đình người Mông đông con, trong đó đa số là con gái, có một cậu con trai duy nhất. Mẹ mất sớm, người bố nghiện rượu, không chăm chỉ làm ăn, lại trọng nam khinh nữ nên chỉ muốn cho con trai đi học còn con gái thì bắt nghỉ học đi lấy chồng với quan niệm “Nuôi con gái chúng mày chẳng được tích sự gì”. Cô con gái lớn vì không muốn lấy chồng sớm nên đã xin bố đi xuống phố huyện để làm thuê kiếm tiền gửi về cho bố trả tiền đặt cọc cưới vợ của nhà kia. Tại nơi làm việc của phố huyện, cô bé phải chịu bao tủi nhục: bị bóc lột sức lao động, bị chửi mắng, ốm chủ cũng bắt em làm việc. Trong một lần đi kiếm con, người cha đã vô tình chứng kiến cảnh con gái mình bị chủ chửi mắng, bắt làm việc khi mà chân cô bé đang bị thương, lại thêm được ngh những lời kể của cậu bé cùng làm thuê ở quán ăn kể về nỗi cực nhọc của con gái mình, ông bố đã tỉnh ngộ, trả lại người chủ số tiền mà con đã ứng gửi về cho mình và đưa con về nhà.
Cảnh người cha vô tình chứng kiến con gái mình chịu khổ
Kêt thúc vở kịch là không khí đầm ấm trong gia đình đó khi mà người cha đã hiểu ra sai lầm của mình, quyết tâm bỏ rượu, chí thú làm ăn để cho các con lại được tới trường. Vở kịch đã đưa người xem qua các cung bậc cảm xúc khác nhau: buồn có, giận có, vui có. Và quan trọng nhất, vở kịch đã truyền tải được nội dung: Ở độ tuổi đi học, trẻ em cần được tới trường, kiên quyết loại bỏ tư tưởng tảo hôn, bỏ học và hơn hết, muốn đạt được điều đó, mỗi gia đình cần có tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc để con cái được phát triển toàn diện, cần tuyên truyền tư tưởng văn minh, tiến bộ đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Kết thúc có hậu của vở kịch với mong muốn truyền tải nội dung: “Nói không với tảo hôn, bỏ học”