TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
Truyền thông y tế học đường là một trong những hoạt động có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt đối với trường bán trú, nội trú, bên cạnh hoạt động chuyên môn mang tính mũi nhọn thì đảm bảo đời sống, nâng cao sức khoẻ cho học sinh là một yêu cầu cần thiết.
Tại nhà trường PTDTBT THCS Pu Nhi, công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ học sinh được thực hiện định kì, theo kế hoạch công tác Y tế Học đường. Hoạt động này thường được thực hiện lồng ghép vào các buổi sinh hoạt bán trú.
Nội dung của các buổi tuyên truyền thường hướng tới việc trang bị kiến thức y tế, ngoài việc giúp học sinh nhận biết và phòng tránh các bệnh thường gặp thì việc tuyên truyền để học sinh có ý thức phòng ngừa những tai nạn, thương tích, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh cũng là hoạt động mang ý nghĩa rất tích cực.
Như chúng ta đã biết, tai nạn thương tích là một tai nạn bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng và khó lường trước được và gây ra những thương cho cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi trẻ em. Vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.
Tai nạn là sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, do tác nhân bên ngoài, gây nên thương tích cho cơ thể. Thương tích là tổn thương thực thể của cơ thể do phải chịu tác động đột ngột ngoài khả năng chịu đựng của cơ thể hoặc rối loạn chức năng do thiếu yếu tố cần thiết cho sự sống như không khí, nước, nhiệt độ phù hợp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù ở môi trường nào cũng vậy, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: ngộ độc thực phẩm, bỏng nước sôi, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, trượt ngã, đuối nước, tổn thương do vật sắc nhọn, tai nạn giao thông; thậm chí bạo lực học đường cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới tai nạn, thương tích ở học sinh.
Sau khi phân tích nguyên nhân, cán bộ tuyên truyền đã chỉ ra cho học sinh thấy hậu quả và quan trọng là cách khắc phục. Bởi rất nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng tránh được nếu giáo viên, cha mẹ học sinh giáo dục và các em có ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.
Ảnh 1-4: Một số hình ảnh của hoạt động tuyên truyền.
Không chỉ truyền thụ một chiều, ngoài việc tiếp thu kiến thức của cán bộ tuyên truyền, các em học sinh cũng được chia sẻ những hiểu biết, những trải nghiệm của bản thân về những lần bản thân mắc phải hoặc những trường hợp gặp tai nạn, thương tích mà mình biết, đồng thời rút ra được những kinh nghiệm gì để phòng tránh nó.
Ảnh 5-8: Học sinh được chia sẻ những trải nghiệm của bản thân.
Với những kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích để các em có thể tự bảo vệ mình và giúp đỡ bạn bè phòng tránh, góp phần tạo nên một ngôi trường lành mạnh, an toàn cho các em vui chơi, học tập.