TRƯỜNG PTDTBT THCS PU NHI THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VỚI CHỦ ĐỀ “NÉT ĐẸP TRANG PHỤC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ”
- Thứ sáu - 27/01/2023 19:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TRƯỜNG PTDTBT THCS PU NHI THỰC HIỆN
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VỚI CHỦ ĐỀ “NÉT ĐẸP TRANG PHỤC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ”
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VỚI CHỦ ĐỀ “NÉT ĐẸP TRANG PHỤC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ”
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, mỗi dân tộc đã tạo cho mình một bản sắc riêng, góp phần tạo nên nền văn hóa đa sắc của dân tộc Việt Nam.
Việc giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số là rất cần thiết bởi đó là một bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa Việt Nam.
Bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số được thực hiện trên nhiều phương diện, trong đó có việc bảo tồn trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống là một biểu trưng của văn hoá, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc.
Để bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, giáo dục là một trong các biện pháp có tính bền vững nhất. Việc giáo dục ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cho học sinh trong các trường học vùng dân tộc thiểu số nhằm giúp các em thấy được trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không phải ngẫu nhiên xuất hiện và tồn tại. Sự xuất hiện và tồn tại của nó phải được tạo ra trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc. Qua giáo dục, học sinh có nhận thức cụ thể, sâu sắc về ý nghĩa trang phục truyền thống của dân tộc mình và các dân tộc anh em trong đời sống, cũng như sinh hoạt văn hóa, xã hội. Từ đó, các em có niềm tự hào khi mang trên mình trang phục truyền thống.
Xuất phát từ giá trị từ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, Liên đội trường PTDTBT THCS Pu Nhi được sự nhất trí của Ban giám hiệu nhà trường, kết hợp với các tổ khối đã tổ chức hoạt động ngoại khoá với chủ đề: “Nét đẹp trang phục các dân tộc thiểu số”.
Trước đó, Liên đội nhà trường đã phổ biến hình thức hoạt động là mỗi chi đội tự thiết kế một trang phục dân tộc tự chọn. Ưu tiên sử dụng những chất liệu tận dụng được từ sinh hoạt và học tập, thân thiện với môi trường. Đồng thời cử người trình diễn và thuyết minh về trang phục mà chi đội mình đã thiết kế.
Hoạt động trải nghiệm được diễn ra trong không khí vui tươi,phấn khởi. Chi đội nào cũng chuẩn bị tiết mục dự thi. Ban giám khảo hội thi gồm có cô Lê Thị Anh Tú-phó hiệu trưởng, thầy Trần Văn Phúc-chủ tịch Công đoàn, cô Lầu Thị Dùa-Tổng phụ trách Đội, thầy Hoàng Hà Dũng-giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Mĩ Thuật. Buổi biểu diễn đã được thực hiện bởi các học sinh ở các chi đội. Mỗi lớp qua bộ trang phục được thiết kế đã thể hiện sự sáng tạo, chuẩn bị chu đáo; đồng thời nhiều em học sinh biểu diễn tự tin và phần thuyết minh về trang phục khá rõ ràng, ghi điểm của đội ngũ ban giám khảo. Từ những tiêu chí trong cách chọn lựa, Ban giám khảo đã chọn ra được những phần thi chất lượng, đạt giải cao.
Có thể nói, với việc trải nghiệm từ khâu nghiên cứu, lựa chọn chất liệu, thiết kế trang phục cho đến chuẩn bị phần biểu diễn được thực hiện bởi chính các em học sinh. Từ đây sẽ góp phần nâng cao hiểu biết cũng như giáo dục tư tưởng, tình cảm để mỗi học sinh sẽ nhận thấy được nét đẹp, giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; đồng thời có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống này.
Một số hình ảnh từ hoạt động trải nghiệm: