TUYÊN TRUYỀN NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC MÔNG
- Thứ sáu - 21/01/2022 19:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TUYÊN TRUYỀN NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC MÔNG
Được sự phân công của Ban giám hiệu trường PTDTBT THCS Pu Nhi, ngày 17/01/2022, nhóm ca trực thứ 2 do đồng chí Lầu Thị Dùa đã lên kế hoạch và tiến hành thực hiện buổi tuyên truyền những nét đẹp văn hóa trong ngày tết cổ truyền của dân tộc Mông.Khi hoa đào đua nhau khoe sắc thắm, hoa mận nở trắng rừng cũng là lúc người Mông bắt đầu đón Tết. Tết thường kéo dài trong nhiều ngày bắt đầu từ cuối tháng 12, đầu tháng chạp âm lịch. Với nhiều sinh hoạt cộng đồng, mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông. Nhân dịp Tết đến xuân về, xin giới thiệu một số nét văn hoá tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên.
Tết: Theo phong tục truyền thống, trước tết khoảng 1 tuần các công việc được gác lại, người Mông sửa sang trang hoàng ngôi nhà, dọn dẹp bàn thờ. Các dụng cụ lao động sản xuất được dán một mảnh giấy đỏ - theo đồng bào màu đỏ tượng trưng no ấm sung túc. Tết đến gia đình nào cũng giã bánh giầy, nấu rượu và mổ lợn ăn Tết. Chiều 30 Tết, các gia đình thường cử người con trai đi lấy nước ở sông, suối hoặc bể về để làm cơm cúng tổ tiên (ma nhà) với một mâm cỗ thịnh soạn có thịt lợn, thịt gà, rượu, bánh giầy….
Cúng bàn thờ: Chuẩn bị đón năm mới, dọn dẹp bàn thờ, đổ tro cũ trong bát hương, xé giấy cũ trên bàn thờ, thay tro và giấy mới. Bắt một con gà trống non, cùng với 12 nén hương, 12 mảnh giấy con. Chủ hộ gia đình (là nam giới) thắp hương lên bàn thờ và sau khi khấn, cầm con gà trống đến dưới bàn cắt tiết và bôi ba giọt lên bàn thờ. Nhổ lông gà phía sau gáy dính vào tiết vừa bôi lên bàn thờ. Gia chủ tiếp tục khấn. Sau đó gà được nhúng vào nước sôi, vặt lông và đem luộc chín. Đồng bào Mông có tục xem chân gà, mắt gà, vỏ não rồi mang gà đã luộc thái để ăn.
Khác với truyền thống các dân tộc, người Mông không đón giao thừa. Tiếng gà gáy đầu tiên của sáng mồng một Tết là thời khắc đầu tiên của năm mới. Trong 3 ngày Tết chỉ ăn các món bánh, thịt, tuyệt đối không được ăn rau. Bởi theo quan niệm của đồng bào, không ăn rau là để tránh trong năm mới không có cỏ mọc ở nương rẫy, mùa màng không bị thất thu và nuôi trâu bò không bị dịch bệnh. Trong ngày Tết không được nóng giận, cãi cọ nhau vì Tết là để mọi người cùng nhau vui vẻ, cùng nhau uống rượu, cùng chúc nhau những điều tốt lành. Với nam thanh, nữ tú mặc trang phục đẹp đi chơi xuân và là dịp tỏ tình hò hẹn. Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi: Ném pao, múa khèn, chơi cầu lông gà, múa ô, hát dân ca, bắn nỏ, đánh tù lu...
Bánh giầy: Nếu dân tộc Kinh Tết đến phải có bánh chưng, thì người Mông phải có bánh giầy, ngày Tết các gia đình không thể thiếu món bánh này. Người Mông quan niệm, hai cái bánh giầy tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất.
Nguyên liệu chính làm bánh giầy là: Thóc nếp nương vùng cao, dẻo, thơm, không được pha tạp được giã thủ công. Sau đó ngâm gạo bằng nước suối nguồn từ 2 đến 3 giờ, tiếp tục vớt ra để ráo nước, rồi cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương. Cối giã bánh giầy làm bằng thân cây gỗ chắc thớ, mịn và khoét rỗng ruột như chiếc thuyền độc mộc. Chày giã bánh giầy có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ để chống dính. Khoảng bốn đến tám chàng trai khỏe mạnh, trai tráng được chọn để giã bánh giầy. Trong quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều "cuốn chiếu". Càng về cuối thì càng phải giã đều và mạnh để xôi thật nhuyễn, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Chị em phụ nữ gói bánh bằng lá dong rừng xanh đậm. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được vo tròn, gói vào lá dong.
Cây khèn: Với đồng bào dân tộc Mông cây khèn như một "báu vật", gắn liền với đời sống tinh thần. Tiếng khèn là sợi dây tâm linh nối người sống với người đã khuất, là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa, là những câu chuyện được kể bằng giai điệu. Về sự tích cây khèn như sau: Ngày xưa có một gia đình cha, mẹ đều mất sớm, để lại sáu anh em trai mồ côi. Họ làm được cái khèn có sáu lỗ và sáu bộ phận để sáu anh em cùng được thổi. Tiếng khèn trầm bổng thắm thiết, người dân trong bản rủ nhau đến nghe thổi khèn. Khi chiến tranh giữa các bộ lạc xảy ra thì 5 người anh bị giết, chỉ còn người em út sống sót. Vắng các anh cho nên em út không thể thổi được khèn. Người em nghĩ ra một ý là gộp cả năm chi tiết kia thành một cây khèn. Từ đó, khèn thổi lên du dương - chiếc khèn Mông ra đời từ đấy.
Trang phục của phụ nữ Mông: Ngày Tết, trang phục của người phụ nữ Mông đẹp rực rỡ. Áo xẻ ngực, cổ phía trước hình chữ V, được nẹp thêm vải màu hoa tuỳ thích, phía sau áo là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất đẹp, trang nhã và gắn đồng bạc, khi đi lại các đồng bạc chạm vào nhau tạo âm thanh vui hấp dẫn. Hai ống tay áo thêu hoa văn là những đường ngang với các màu sắc từ cổ tay đến nách. Từ trang trí này làm nổi bật chiếc áo của người Mông.
Váy là một tiêu chí để phân biệt giữa các ngành Mông. Một người phụ nữ khéo tay một năm cũng chỉ làm được 2 đến 3 chiếc. Ngoài váy còn tấm vải che phía trước váy (tạp dề), thắt lưng và xà cạp. Váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn như bông hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy thêu hoa văn, in hoa và ghép vải hoa thật ấn tượng và độc đáo. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của váy. Người phụ nữ Mông được các bà, các mẹ dạy cho cách làm váy, cách thêu hoa văn ngay từ khi còn nhỏ, lớn lên các cô gái biết làm váy thường được đánh giá cao so với các cô cùng trang lứa khi chuẩn bị xây dựng gia đình. Hoa văn - (pàng tâu) trong trang phục của người phụ nữ Mông, hoa chủ yếu là hoa văn hình học như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc... Những mô típ hoa văn được hình thành trên cơ sở sợi ngang của kỹ thuật dệt trên khung cửi và sau này được lặp lại trong kỹ thuật thêu. Phụ nữ Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn, cổ và tai đeo vòng bạc lấp lánh.
Cây nỏ: Tết đến, xuân về đồng bào Mông với các trò chơi dân gian: múa khèn, đánh quay, ném pao, đẩy gậy, chơi cầu lông gà và tổ chức thi bắn nỏ. Cây nỏ không chỉ là một loại vũ khí mà còn là một sản phẩm văn hóa truyền thống mang những nét văn hóa đặc trưng đồng bào Mông. Cây nỏ gồm có: Thân nỏ, cánh cung, dây cung, lẫy nỏ và cung tên. Thân nỏ được chọn bằng loại gỗ tốt như gỗ lim, gỗ pơ mu. Cánh cung phải làm bằng tre già có độ cứng dẻo, đàn hồi cao. Dây cung là loại dây rừng lấy về lấy vỏ, đem phơi khô, sau đó bện thành các sợi làm dây cung, mũi tên phải làm bằng loại tre già.
Vượt lên những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên đoàn kết chung sức, chung lòng, nỗ lực sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Đời sống vật chất ngày càng cải thiện, nét đẹp văn hóa truyền thống được khôi phục và trao chuyền. Cùng với các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên mãi mãi biết ơn, vững niềm tin theo Đảng và Bác Hồ kính yêu./.
Một số hình ảnh của buổi tuyên truyền