TÌM HIỂU NÉT ĐẸP VĂN HOÁ TRONG TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC THÁI
Đối với dân tộc Việt Nam nói chung và người dân tộc Thái nói riêng, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là một trong những ngày trọng đại nhất trong một năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền núi hay miền xuôi, đất liền hay đảo xa, trong nước hay mưu sinh trên toàn thế giới, cứ Tết đến xuân về là mỗi người lại nhớ về quê hương nguồn cội. Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp văn hóa in sau vào tâm thức người Việt. Tết Nguyên Đán hay còn gọi là tết, tết cổ truyền, tết âm lịch được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người việt và các nước theo lịch âm lịch. Đay là dịp gia đình đoàn tụ, con cháu quây quần, sum vầy và có rất nhiều nét đẹp văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của mỗi dân tộc là khác nhau, ở đồng bào dân tộc Thái các nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Vậy đó là những nét đẹp gì? Chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu nhé.
1. Thăm mộ tổ tiên
Hàng năm cứ vào ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, nhiều gia đình người Thái tập trung đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, tỏ lòng hiếu kính mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Truyền thống tâm linh người dân tin rằng, năm mới đến là sự khởi đầu của mọi điều mới, mọi thứ đều cần được sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên.
Tục tảo mộ cuối năm ngoài là một phong tục phổ biến của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, còn thể hiện nét đẹp của đạo “hiếu” trong văn hóa Việt Nam, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người còn sống với nhau và giữa những người còn sống với những người đã khuất như câu nói:
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”
Tảo mộ sửa sang, chăm sóc mộ phần của tổ tiên và người thân cũng là thể hiện tình cảm của con người biết hướng về nguồn cội của mình, tổ tiên, ông bà mình mà nhờ đó mình mới được làm người, mình mới có mặt trên đời và được các cụ phù hộ cho trong năm mới sắp tới.
2. Trang trí, sửa soạn nhà cửa, lau dọn bàn thờ tổ tiên.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà đều dọn dẹp lại nhà cửa thật đẹp sao cho đúng không khí của ngày Tết. Tất cả các đồ vật, chén, bát, bàn ghế, ban thờ… đều được đem ra sửa soạn, lau sạch sẽ và bày biện hợp lí. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới đang tới, cái gì cũng phải mới.
“Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “cọ lọ hóng” (góc trong cùng gian cuối của nhà sàn- để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ.
Trang trí, lau dọn nhà cửa
Lau dọn bàn thờ tổ tiên
3. Gói bánh chưng, bánh gù
Dân tộc Thái nói riêng hiện nay có nhiều truyền thống đã bị mai một nhưng có một giá trị truyền thống vẫn luôn được lưu giữ đó là tục lệ gói bánh chưng (bánh gù) ngày Tết.
Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp Tết đến thể hiện sự gắn kết, sum vầy khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nồi bánh luộc đang bốc khói nghi ngút ấm cúng.
Bánh chưng có hình dáng dạng gù, lá gói (lá dong), nguyên liệu là gạo nếp, thịt lợn, nhân đỗ xanh, đỗ đen.
Tối 29, người Thái bắt đầu gói bánh chưng, và đó cũng là thứ bánh không thể thiếu trong mâm lễ cúng tổ tiên của người Thái.
Sáng 30, các nhà luộc bánh chưng, chế biến thịt lợn và chuẩn bị các đồ vật để cúng lễ tổ tiên. Thường thì vào tối tất niên (29 hoặc 30), gia đình thịt hai con gà, một con để cúng tổ tiên, một con dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
4. Hoa tết, mâm ngũ quả tết.
Bên cạnh việc ăn Tết thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa đào ngày tết cũng là một nét đẹp văn hóa đã có từ rất lâu. Đây là điều thú vị, trang nhã và thanh tao trong ngày Tết. Hoa đào hầu như nhà nào cũng chưng trong ngày Tết.
Mâm ngũ quả tết thường có: nải chuối, đĩa trầu cau, các loại hoa trái và bánh kẹo. Nhà nào, nhà nấy đều có hai cây mía buộc dựng đứng hai bên bàn thờ, để tượng trưng cho sự sinh sôi, sang năm mới làm ăn phát đạt”.
Hoa tết, mâm ngũ quả tết
5. Lễ đón giao thừa
Lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình. Giây phút thiêng liêng chào đón thời khắc trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật và chúng sinh có thêm năng lượng tạo xây sức sống mới cùng biết bao hy vọng, cầu mong về một năm mới an khang, mùa màng tươi tốt, con người bình yên may mắn và thành đạt, được thể hiện qua các hành vi thực hành nghi lễ trang trọng trước ban thờ tổ tiên và các thần linh.
Nét đẹp văn hóa từ giây phút giao thừa như muốn thể hiện ý nghĩa biểu trưng cho truyền thống hiếu kính với các bậc tiền nhân trong quá khứ với các bậc sinh thành trong hiện tại và bộc lộ lời nguyện cầu về một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng cho con cháu.
6. Phong tục thờ cúng, cúng bái tổ tiên.
Đêm 30 Tết, đồng bào Thái thức trọn một đêm để đón Giao thừa, thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn và chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để phán đoán vận hạn cho năm mới. Cũng trong đêm Giao thừa, lúc chuyển sang ngày mồng Một của năm mới, đồng bào dọn mâm đặt lên bàn thờ cúng cho ông bà ăn cơm trước bản, trước mường.
Khi cúng tổ tiên nhà mình xong, đồng bào dọn mâm khác để cúng các vị thần trong nhà mình như: Ông thần bếp, bà thần giữ cháu trong nhà và ông thần thổ dưới cầu thang…
Thờ cúng
7. Rửa mặt sáng ngày mùng 1 tết.
Sáng mùng Một, mọi người dậy sớm đi múc nước mới ở giếng hay ở mó đầu bản để lấy lộc năm mới. Người đi múc nước sẽ rửa mặt bằng nước năm mới tại suối hay mó rồi gánh nước về để cả nhà rửa mặt. Họ quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi, sang năm mới thu hoạch nhiều cái mới. Ống nước cúng tổ tiên (bẳng nặm tông) cũng phải thay nước mới. Những ngày Tết, đặc biệt là ngày mồng 1, đồng bào Thái kiêng quét nhà, vì sang năm mới họ không cho bất kỳ một thứ gì trong nhà đi ra.
8. Chúc Tết, mừng tuổi
Chúc Tết, Mừng tuổi: Là một nét đẹp văn hóa lâu đời. Chúc tết và mừng tuổi không nhất thiết lễ nhiều vật trọng đắt tiền mà chủ yếu mang tinh thần tượng trưng. Có thể là đồng tiền mới giá trị không cao, cũng có thể là Gói chè, bánh chưng, bánh kẹo.
Con cái chúc tết mừng tuổi bố, mẹ ông bà thể hiện sự hiếu nghĩa, quí trọng, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, sống khỏe, sống lâu. Ông bà, bố mẹ chúc tết, mừng tuổi con cháu thể hiện sự yêu thương đùm bọc, mong học hành tiến bộ, ngoan ngoãn và trưởng thành. Người thân, hàng xóm chúc tết mừng tuổi nhau thể hiện mối quan hệ tôn trọng, thân cận, giao hòa trong cuộc sống.
Chúc Tết Nó thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của các thế hệ sau với ông bà, cha mẹ và thầy cô, đúng với truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc từ ngàn đời.
9. Xông đất
Xông đất đầu năm là phong tục được cha ông ta lưu truyền từ rất lâu cho đến nay vẫn còn được duy trì thực hiện. Người ta tin rằng người xông đất đầu năm có ảnh hưởng đến vận mệnh của gia chủ trong cả năm đó nên người xông đất được coi là khá quan trọng. Thời điểm xông đất là sau thời khắc giao thừa trở đi. Những gia đình Việt Nam không quá cầu kì thì cũng luôn mong muốn người xông đất là người vui vẻ, rộng rãi để gia đình có một năm may mắn, sung túc.
Người ta cũng chú ý đến tuổi của người xông đất. Ngũ hành của gia chủ và người xông đất phải tương hợp hay tránh rơi vào tứ hành xung theo quan điểm duy tâm. Người Thái cũng không muốn những người có đạo đức kém, tiền án, tiền sự, những người đang có tang hay chuyện buồn gia đình đến xông đất vì quan niệm năm mới mọi thứ phải mới mẻ và vui vẻ. Xông đất được coi là nét văn hóa đặc trưng ngày Tết mà trên khắp cả nước hiện nay vẫn lưu truyền và tin tưởng. Nó thể hiện khát vọng và niềm tin của người đồng bào Thái vào một ngày mai tốt đẹp, may mắn, thịnh vượng hơn.
“Trong những ngày đầu năm mới, mọi người đặc biệt quan tâm đến lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân, mọi người không chửi mắng nhau, không nói năng tục tằn thô lỗ, không đòi nợ nhau, không nói xấu nhau.... Ai cũng sợ to tiếng thì sẽ bị “dông” cả năm”.
Trong mấy ngày Tết, mỗi nhà sẽ tổ chức ăn Tết vào một ngày mời anh em họ hàng và hàng xóm thân thuộc. Trong bữa tiệc, người ta chúc tụng, cầu cho nhau sức khoẻ và may mắn trong cuộc sống.
Ăn tết, chúc tết
10. Các trò chơi dân gian, văn hoá, văn nghệ.
Vào mỗi dịp tết đến xuân về. Các hoạt động văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian ngày Tết bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 1 Tết cho tới mùng 10.
a. Trò chơi ném còn
Đây là trò chơi thu hút đông đảo mọi người tham gia với hình thức khá đơn giản đó là một bên nam, một bên nữ hay mỗi bên có cả nam và nữ đứng về hai phía của cây còn với khoảng cách chừng 4-5m, sau đó từng đôi sẽ tung còn qua vòng tròn gắn trên cây, người bên này tung, người bên kia bắt rồi lại tung trở lại, cứ như vậy cuộc tranh tài diễn ra sôi nổi hào hứng.
Hình thức chơi tuy không khó, song đòi hỏi phải khéo léo, tài tình, nhẹ nhàng khi tung, khi bắt thì mới có thể tung quả còn một cách chính xác. Đồng thời tung còn đòi hỏi người chơi phải kết hợp các động tác toàn thân, cùng tinh thần sảng khoái và trên hết là thể hiện tinh thần đoàn kết, vui vẻ trong cộng đồng.
Ảnh:
Trò chơi ném còn
b. Trò chơi tó má lẹ
Ngoài trò chơi tung còn, người Thái còn có một trò chơi khác cũng hết sức độc đáo đó là tó má lẹ. Theo tiếng Thái, tó nghĩa là chơi hoặc đánh, còn má lẹ là tên một loại quả được lấy từ một loài dây leo trong rừng, có hình dẹt, vỏ cứng, to bằng 3 - 4 ngón tay, có màu nâu đậm, đường kính từ 4 cm, dày 1cm trở lên, hạt chắc và nặng. Cách chơi tó má lẹ cũng khá đơn giản nên tất cả mọi người đều có thể tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ. Để chơi tó má lẹ tối thiểu cũng cần có 2 người hoặc 2 đội chơi. Thông thường người chơi, đội chơi càng đông thì càng vui.
Trò chơi tó má lẹ
c. Múa xoè
Nếu nói về điệu múa xòe thì từ thời xa xưa người ta đúc kết và cho rằng có 36 động tác xòe. Đến ngày nay, do nhiều yếu tố ngoại lai, được nhiều nhà nghiên cứu và thường hay tổ chức múa xòe nên tùy theo từng vùng miền, thể loại múa xòe đã và đang được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, trở thành loại hình múa trong hoạt động cộng đồng rất phổ biến, nhân rộng. Tại tỉnh Điện Biên, qua nghiên cứu và khảo sát, thì loại hình nghệ thuật múa xòe được chọn lọc gồm 6 điệu múa phổ biến gồm: Điệu xòe Khăm khen (nắm tay nhau); Đổn hôn (bước tiến lùi); Phá xí (bước bốn); Nhôm khăn (tung khăn), Khắm khăn mơi lẩu (Nâng khăn mời rượu); Ỏm mọm tốp mư (vỗ tay đi vòng tròn).
Điệu xòe Khắm khen (nắm tay nhau).
Điệu xòe Nhôm khăn (tung khăn).
Điệu xòe Phá xí (bước bốn).
Trên đây là một số nét đẹp văn hóa trong ngày tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. Mặc dù đất nước có đổi mới, những nghi kễ tập tục cũng được “uyển chuyển “ để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc tết, mừng tuổi vẫn là nét đẹp trường tồn mãi mãi và nó là giá trị bất biến vĩnh hằng in sâu trog trái tim mỗi người.
Các em học sinh là các thế hệ trẻ tương lai của đất nước, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn các nét văn hóa này cho các thế hệ sau để gíup kế thừa và phát huy hơn nữa trí sáng tạo, tài hoa của cha ông để lại.